NHÀ CHUNG CƯ – NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ (KỲ III) 25-07-2024 04:06:40

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954, Thủ đô chính thức bước vào quá trình tái thiết mạnh mẽ nhằm xây dựng xã hội chủ nghĩa và trên phương diện chính trị, Hà Nội cần thể hiện được vai trò quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan đầu não trung ương, trung tâm phát triển kinh tế của đất nước này

Cùng với những định hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế và bộ máy hành chính, cơ quan Nhà nước, cơ hội việc làm rõ ràng hơn bao giờ hết đối với người dân miền Bắc. Bên cạnh làn sóng trở lại Thủ đô sau tháng 10/1954 của những người theo kháng chiến là một lực lượng lớn người dân tứ phương, kể cả từ các tỉnh miền Nam tập kết ra Bắc theo lời kêu gọi của Chính phủ do Chủ tịch Hồ CHí Minh đứng đầu, điều này gây ra áp lực lớn về nhu cầu nhà ở tại Hà Nội đối với xã hội và các cấp chính quyền.

Ảnh khu tập thể Giảng Võ

Ban đầu, Thành phố tiến hành xây dựng các khu nhà “tạm” cao 2-3 tầng tại các khu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương Mai, An Dương, Quỳnh Lôi, Văn Chương... sau đó tiến hành chương trình xây dựng quy mô lớn, mở rộng không gian đô thị ra phía ngoài khu phố cổ. Chương trình này bắt đầu với việc xây dựng khu tập thể Kim Liên qua 2 giai đoạn: 1960-1965 và 1965-1970. Đây được xem là Khu tập thể lâu đời nhất tính đến nay của Thủ đô được quy hoạch một cách đồng bộ, có đầy đủ các tiện ích chung như: nhà trẻ, trường học đi liền với các không gian công cộng, vườn hoa, cây xanh v.v ...

Ảnh khu tập thể Văn Chương

Cũng tại công trình xây dựng Khu tập thể Kim Liên, lần đầu tiên thành phố thí điểm phương pháp xây dựng lắp ghép tấm bê-tông nhỏ thay thế việc xây tay, với quy mô xây dựng lớn hơn (40ha). Với phương pháp xây dựng tấm bê-tông lắp ghép đầu tiên, khu nhà ở Kim Liên đã đánh dấu bước tiến bộ mới trong ngành xây dựng và chính thức khai sinh loại hình nhà ở “tập thể” hay “Nhà lắp ghép” tại miền Bắc nước ta thời kỳ trước 1975.

Một khu tập thể được xây dựng những năm 70-80 Thế kỷ XX

Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, việc xây dựng lớn ở Hà Nội bị dán đoạn. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, các khu nhà ở theo mô hình khu chung cư được nhân rộng với những bước tiến mới cả về quy mô, kiến trúc đến công nghệ xây dựng. Tính đến khi Việt Nam bước vào thời kỳ “Đổi mới” (những năm 1990), chỉ trong ba thập kỷ Hà Nội đã xây dựng tổng cộng 1.579 nhà chung cư, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư độc lập. Một con số không hề nhỏ trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, bị cấm vận, nguồn vốn và tiềm lực tài chính còn rất hạn chế.

Hầu hết các khu chung cư xây dựng sau này đều kế thừa cơ bản mô hình quy hoạch các tiểu khu được xây dựng ở khu Kim Liên. Điều này cho thấy niềm tin vững chắc vào một lý thuyết đô thị của các nhà quy hoạch Việt Nam. Tuy vậy, đã có những thay đổi, điều chỉnh nhỏ trong cơ cấu của từng khu do điều kiện thực tiễn.

- Đầu tiên là sự thích ứng của mô hình với địa hình nhiều ao, hồ của Hà Nội. Các khu chung cư Trung Tự, Phương Mai, Giảng Võ, Thành Công, Nghĩa Tân… hầu hết được quy hoạch trên cơ sở giữ lại một phần các ao hồ tự nhiên, vừa để phục vụ thoát nước, cải thiện vi khí hậu và tạo yếu tố cảnh quan cho khu vực.

- Nếu như cấu trúc nhóm ở với các dãy nhà chung cư bao quanh hạt nhân là nhà trẻ được coi là thành phần cơ bản không thay đổi, thì việc bố trí các trường học phổ thông (cấp 2) tại một số khu, dù vẫn tuân thủ nguyên lý về bán kính phục vụ, nhưng khá linh hoạt mang tính bổ trợ cho các khu dân cư lân cận. như trường hợp của trường Đống Đa, Khương Thượng… Trường hợp này cho thấy sự phát triển tư duy về một khu ở quy mô lớn “Khương-Kim” của Hà Nội.

- Một số công trình công cộng đô thị thậm trí đã được bổ xung, lồng ghép trong khu để phục vụ cho dân cư khu vực rộng lớn hơn như trường hợp bệnh viện xây dựng ở khu Thanh Xuân Bắc, hoặc cũng là để khai thác lợi thế về cảnh quan như công trình khách sạn Hà Nội – công trình cao nhất (11 tầng) được xây ở khu Giảng Võ tính đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX.

- Cấu trúc không gian kiến trúc các khu chung cư được thiết kế ngày một sinh động hơn tiêu biểu là tại khu Giảng Võ và Thanh Xuân Bắc. Các công trình dịch vụ và thương mại được bố trí ở tầng một của các dãy nhà ven đường giao thông thành phố. Đây là giải pháp tốt vừa góp phần đa dạng hóa không gian kiến trúc mặt phố, vừa tăng cường hoạt động kinh doanh như một cách kế thừa tập quán truyền thống mà theo cách gọi hiện nay, đây được coi là những nhà shop-house đầu tiên tại Thủ đô.

Nếu mẫu nhà ở Kim Liên được coi là thế hệ thứ nhất với tiêu chuẩn phân phối 4m2/người, sử dụng phương pháp xây tay (gạch – vữa xi-măng...), rồi thử nghiệm lắp ghép tấm nhỏ. Trải qua thế hệ thứ hai như các khu Trung Tự, Giảng Võ rồi đến thế hệ thứ ba - nhà ở tại tiểu khu Thanh Xuân Bắc, các căn hộ đã được cải tiến phù hợp với khả năng phân phối và điều kiện ở của Thành phố. Cấu trúc căn hộ đã được khép kín hoàn toàn không còn thấy việc sử dụng chung bếp và vệ sinh, đồng thời tiêu chuẩn được nâng lên 6m2/người. Việc tổ chức không gian theo hình thức ghép nối linh hoạt, sinh động hơn... được lắp ghép bởi 70 loại hình cấu kiện khác nhau sản xuất tại nhà máy bê tông Chèm.

Khu tập thể Giảng Võ - Tầng 1 được sử dụng làm nơi kinh doanh

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, đây là thời kỳ “cực thịnh” của các khu chung cư hay còn được gọi là khu nhà tập thể “lắp ghép” – tên gọi bắt nguồn từ phương pháp xây dựng thông qua việc ghép các tấm bê-tông định hình đúc sẵn lại với nhau. Tạo ra nhiều nhà ở cũng như hình thành các cộng đồng dân cư có sự kết nối với nhau mật thiết về văn hóa và phát triển mà sau này vẫn được nhắc đến như một thế hệ “cư dân nhà tập thể” ra đời từ 7X đến cuối 8X của Tk XX.

Phòng khách của một căn hộ tập thể

Nguồn: Tổng hợp